LƯU Ý VỀ KẾ TOÁN THUẾ TRONG

CÔNG TY DIGITAL MARKETING

Theo thống kê của Bộ Công Thương Việt Nam, thì số lượng người dùng internet tại Việt Nam ngày càng tăng. Kéo theo đó là sự phát triển của các hình thức bán hàng, cung cấp dịch vụ online qua các nền tảng website, facebook hay các sàn thương mại điện tử. Bởi thế, các công ty digital marketing cung cấp các dịch vụ như: thiết kế website, phát triển nội dung website, fanpage,…mở ra ngày càng nhiều để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhưng không phải chủ doanh nghiệp nào cũng nắm vững các kiến thức về kế toán thuế trong công ty digital marketing. Nên hôm nay, Kế Toán Trí Đức sẽ gởi đến các bạn bài viết các lưu ý về kế toán thuế trong công ty digital marketing. Qua đó, giúp các chủ doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này nắm rõ hơn các vấn đề về kế toán thuế của doanh nghiệp mình. Từ đó có thể phát triển công ty một cách vững chắc hơn.

Lưu ý về kế toán thuế trong công ty digital marketing

Các dịch vụ chủ yếu trong công ty digital marketing sẽ bao gồm:

Thiết kế website

Phát triển nội dung website bao gồm: nội dung chữ và nội dung hình ảnh (Gọi tắt là content)

Tư vấn phát triển nội dung theo những chủ để xuyên suốt.

Cho thuê hosting, mua bán tên miền

Vậy, thuế suất thuế GTGT trong trong ty digital marketing bao gồm những mức thuế suất nào?

Thuế suất thuế GTGT của dịch vụ thiết kế website

Căn cứ vào khoản 21, điều 4 Văn bản hợp nhất số/VBHN-BTC ngày 09 tháng 05 năm 2018 về đối tượng không chịu thuế GTGT, thì:

“21. Chuyển giao công nghệ theo quy định của Luật chuyển giao công nghệ; chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ. Trường hợp hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ có kèm theo chuyển giao máy móc, thiết bị thì đối tượng không chịu thuế GTGT tính trên phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng; trường hợp không tách riêng được thì thuế GTGT được tính trên cả phần giá trị công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ chuyển giao, chuyển nhượng cùng với máy móc, thiết bị.

Phần mềm máy tính bao gồm sản phẩm phần mềm và dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật.”

Kết luận: với hoạt động thiết kế website được xem làm một sản phẩm phần mềm (phần mềm website) thì thuế suất thuế GTGT hoạt động website là KHÔNG CHỊU THUẾ. Nhưng khi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ thiết kế website, công ty bạn vẫn phải xuaát hóa đơn để ghi nhận doanh thu bình thường. Dòng tiền thuế GTGT gạch ngang, không ghi.

Thuế suất thuế GTGT của dịch vụ tư vấn, phát triển nội dung website

Căn cứ vào điều 8 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 06 năm 2008 và các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan thì:

“3. Mức thuế suất 10% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ không quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”

Kết luận: dịch vụ tư vấn, phát triển nội dung website, fanpage hay phát triển nội dung trên các sàn thương mại điện tử,…sẽ chịu mức thuế suất 10%

Thuế suất thuế GTGT của dịch vụ cho thuế hosting, mua bán tên miền

Cũng căn cứ vào điều 8 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 06 năm 2008 và các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan. Và các công văn hướng dẫn liên quan, điển hình là công văn số 19/TCT-DNK do Tổng cục thuế ban hành ngày 03 tháng 01 năm 2006, có kết luận:

“Căn cứ điểm 24, Mục II, Phần A; Điểm 3.27, Mục II, Phần B Thông tư số 120/2003TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng thì:

– Hoạt động thiết kế Website là dịch vụ phần mềm thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

– Dịch vụ cho thuê máy chủ để hoạt động Website áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10%.”

Kết luận: như vậy dịch vụ cho thuê máy chủ (hosting), mua bán tên miền sẽ chịu mức thuế suất thuế GTGT là 10%.

Thuế Thu nhập doanh nghiệp trong công ty digital marketing

Đối với các công ty digital marketing nếu có các hoạt động như đã được liệt kê bên trên, thì dịch vụ thiết kế website thuộc lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN và các dịch vụ còn lại sẽ không thuộc đối tượng được ưu đãi thuế TNDN. Cụ thể như sau:

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của ngành nghề thiết kế website

Căn cứ vào điểm b, khoản 1, điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 06 năm 2014, thì:

“Điều 15. Thuế suất ưu đãi

  1. Thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với:

…b) … sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học.”

Và điểm a, khoản 1, điều 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC, thì:

“Điều 20. Ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế

  1. Miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo đối với:
  2. a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư này.”

Kết luận: đối với hoạt động thiết kế website, nếu công ty bạn thành lập mới và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo kê khai sẽ được hưởng ưu đãi thuế TNDN trong 15 năm đầu với mức thuế suất 10%; Trong đó, công ty bạn sẽ được miễn thuế (miễn 10% thuế TNDN) trong 4 năm đầu kể từ năm phát sinh thu nhập chịu thuế hoặc từ năm thứ 4 nếu trong 3 năm đầu không phát sinh thu nhập chịu thuế.

Thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với hoạt động tư vấn phát triển nội dung website, fanpage

Đối với hoạt động này, thuế TNDN hiện hành là 20% vì chúng không nằm trong các lĩnh vực được ưu đãi thuế TNDN theo điều 19, 20 Thông tư 78/2014/TT-BTC.

Vậy, nếu công ty có nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh như thiết kế website, tư vấn phát triển nội dung website, fanpage thì tính thuế TNDN ra sao?

Căn cứ vào khoản 2, điều 18 Thông tư 78/2014/TT-BTC thì:

“2. Trong thời gian đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp nếu doanh nghiệp thực hiện nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp phải tính riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (bao gồm mức thuế suất ưu đãi, mức miễn thuế, giảm thuế) và thu nhập từ hoạt động kinh doanh không được hưởng ưu đãi thuế để kê khai nộp thuế riêng.”

Kết luận: nếu công ty cung cấp nhiều loại dịch vụ như: thiết kế website, tư vấn phát triển nội dung website, fanpage,…thì công ty bạn phải tách riêng thu nhập của các hoạt động này ra và xác định thuế Thu nhập doanh nghiệp cho từng loại thu nhập mà công ty thu được để kê khai và nộp thuế riêng

Trên đây là tất cả các vấn đề về kế toán thuế trong công ty digital marketing. Kế Toán Trí Đức vọng sẽ giải đáp được thắc mắc của các bạn xung quang vấn đề này!

Trân trọng kính chào!

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *