Hành vi xuất hóa đơn khống bị xử lý thế nào?

 

Hành vi xuất hóa đơn khống bị xử lý thế nào? Công ty mình làm ăn thua lỗ, mình chuyển nhượng công ty cho 1 bên chuyên xuất hóa đơn khống (chuyển nhượng thông qua công ty dịch vụ) mà không có biết. Ngày hoàn thành thủ tục chuyển 100% và đại diện pháp luật là 20/07/2015. Mình nghi ngờ công ty này lấy công ty mua lại 100% và một ít hóa đơn cũ còn lại xuất hóa đơn khống ngược lại các tháng 4-5-6/2015 và tiếp tục bị xuất khống các tháng 7-8-9/2015 trước khi bị cơ quan thuế khóa MST. Trường hợp này ai sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hóa đơn khống, theo Điều 2 Nghị định 51/2010/NĐ-CP: hóa đơn được lập nhưng nội dung được ghi không có thực một phần hoặc toàn bộ. Về hành vi xuất hóa đơn khống, Khoản 2 Điều 22 Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định nghĩa vụ của tổ chức bán hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ:

  1. a) Quản lý các hoạt động tạo hóa đơn theo quy định tại Nghị định này;
  2. b) Ký hợp đồng đặt in hóa đơn với các cơ sở in có đủ điều kiện trong trường hợp đặt in hóa đơn;
  3. c) Lập và gửi tờ Thông báo phát hành hóa đơn theo quy định;
  4. d) Lập và giao hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng. Trừ trường hợp không phải lập hóa đơn theo quy định tại Điều 16 Nghị định này;

đ) Thường xuyên tự kiểm tra việc sử dụng hóa đơn, kịp thời ngăn ngừa các biểu hiện vi phạm;

  1. e) Báo cáo việc sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo quy định của Bộ Tài chính

Đồng thời Điều 15 Nghị định trên quy định lập hóa đơn như sau: Khi bán hàng hóa, dịch vụ người bán phải lập hóa đơn. Khi lập hóa đơn phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định này.

Như vậy, qua đó có thể thấy hành vi xuất hóa đơn khống là hành vi không tuân thủ quy định pháp luật về hóa đơn, do đó vi phạm quản lý nhà nước về hóa đơn. Trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện ra, chủ thể thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC.

Trong trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính, Nghị định 109/2013/NĐ-CP, Điều 2 quy định đối tượng chịu sự điều chỉnh là: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn”. Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thông tư liên tịch 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC Điều 2 Khoản 2 nêu lên chủ thể phạm tội bao gồm: Cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người của tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

Khi cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, sẽ căn cứ vào chủ thể và thời điểm thực hiện hành vi xuất hóa đơn khống để truy cứu trách nhiệm. Như vậy, theo các quy định trên chủ thể phải chịu trách nhiệm sẽ là tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm, trong trường hợp này là công ty thực hiện xuất hóa đơn khống và/hoặc chủ sở hữu công ty đó. Hơn nữa, thời điểm xảy ra hành vi là sau khi hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng công ty về mặt pháp lý nên bạn không còn là chủ sở hữu của công ty ban đầu nữa. Tuy nhiên, còn cần xem xét nội dung điều khoản trong hợp đồng chuyển nhượng giữa bạn và bên nhận chuyển nhượng để xác định rõ ràng đây là trường hợp nào, từ đó giải quyết trên cơ sở nội dung hợp đồng và/hoặc quy định pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về chịu trách nhiệm đối với hành vi xuất hóa đơn khống. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 51/2010/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *