Hướng dẫn cách điền chỉ tiêu [26]; [27]; [28] tờ khai khấu trừ thuế TNCN 05/KK-TNCN

 

Hàng tháng hoặc hàng quý doanh nghiệp phải lập tờ khai khấu trừ thuế TNCN theo mẫu 05/KK-TNCN (TT92/2015) trên phần mềm kê khai thuế HTKK gửi cho cơ quan thuế. Khi kê khai trên “Tờ khai tờ khai khấu trừ thuế TNCN 05/KK-TNCN (TT92/2015)” chúng ta sẽ thấy các chỉ tiêu số 26; 27; 28 là những chỉ tiêu “khá khó khăn” để điền số liệu.

  1. Khái niệm các chỉ tiêu 26, 27, 28

Chỉ tiêu 26: là chỉ tiêu ghi nhận “Tổng thu nhập chịu thuế (TNCT) trả cho cá nhân bao gồm cả cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú”

Chỉ tiêu 27: là chỉ tiêu ghi nhận “Tổng thu nhập chịu thuế (TNCT) trả cho cá nhân cư trú”

Chỉ tiêu 28: là chỉ tiêu ghi nhận “Tổng thu nhập chịu thuế (TNCT) trả cho cá nhân không cư trú”

Chỉ tiêu 26 = Chỉ tiêu 27 + Chỉ tiêu 28

  1. Cách xác định các chỉ tiêu 27, 28 theo quy định của Luật thuế

Do chỉ tiêu 26 bằng tổng chỉ tiêu 27 và chỉ tiêu 28, nên muốn xác định được chỉ tiêu 26 cần xác định được chỉ tiêu 27 và chỉ tiêu 28.

Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của cá nhân không cư trú được xác định như đối với thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú. (Căn cứ vào khoản 2, Điều 18, Thông tư số 111/2013/TT-BTC):

Chỉ tiêu 27, 28 = Tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công (chưa trừ các khoản giảm trừ và BHXH, BHYT, BHTN) (1*) – Thu nhập miễn thuế TNCN (2*)

+ Chỉ tiêu 27 đối tượng có thu nhập là cá nhân cư trú,

+ Chỉ tiêu 28 đối tượng có thu nhập là cá nhân không cư trú.

Trong đó:

(1*) Tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công (chưa trừ các khoản BHXH, BHYT, BHTN) được xác định:

Tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công = Tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương và phụ cấp, lợi ích khác – Các khoản phụ cấp, các khoản khác không tính vào TNCN

Khoản không tính thuế thu nhập cá nhân như sau (theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 111/2013/TT-BTC):

1.Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm.

2.Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực.

3.Phụ cấp đặc thù ngành nghề.

4.Phần tiền thuê nhà vượt trên 15% tổng thu nhập chịu thuế tại đơn vị (chưa bao gồm tiền thuê nhà) do đơn vị sử dụng lao động trả hộ.

5.Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.

6.Khoản tiền khoán chi công tác phí, tiền trang phục, tiền điện thoại……được quy định cụ thể mức chi và phù hợp với theo quy chế của công ty.

Khoản tiền ăn giữa ca, ăn trưa do người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động:

6.1 Trường hợp 1: Đơn vị tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa cho người lao động dưới các hình thức như trực tiếp nấu ăn, mua suất ăn, cấp phiếu ăn.

6.2 Trường hợp 2:

Người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

Năm 2021 mức chi tiền ăn tối đa là 730.000đ/tháng căn cứ theo Khoản 4, Điều 22, Thông tư số: 26/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành ngày 01 tháng 9 năm 2016.

7.Khoản phí hội viên (như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…) nếu thẻ được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

Lưu ý: Thẻ sử dụng riêng, có ghi tên cá nhân, nhóm cá nhân (phòng, ban…) sử dụng thì vẫn tính vào thu nhập chịu thuế.

8.Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ… nếu nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

9.Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo quy chế của đơn vị.

10.Đối với khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động thì không tính vào thu nhập của người lao động.

11.Khoản hỗ trợ của người sử dụng lao động cho việc khám chữa bệnh hiểm nghèo cho bản thân người lao động và thân nhân của người lao động.

12.Khoản tiền nhận được do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi đám hiếu, hỉ cho bản thân và gia đình người lao động theo quy định chung của tổ chức, cá nhân trả thu nhập và phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

13.Khoản tiền học phí cho con của người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam học tại Việt Nam, con của người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài học tại nước ngoài theo bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông do người sử dụng lao động trả hộ.

14.Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, do Nhà nước phong tặng hoặc do các Hội, tổ chức thuộc các Tổ chức chính trị, Tổ chức chính trị – xã hội, Tổ chức xã hội, Tổ chức xã hội – nghề nghiệp của Trung ương và địa phương trao tặng phù hợp với điều lệ của tổ chức đó và phù hợp với quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.

15.Khoản tiền mua vé máy bay khứ hồi do người sử dụng lao động trả hộ (hoặc thanh toán) cho người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, người lao động là người Việt Nam làm việc ở nước ngoài về phép mỗi năm một lần.

(Căn cứ xác định khoản tiền mua vé máy bay là hợp đồng lao động và khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia người nước ngoài mang quốc tịch hoặc quốc gia nơi gia đình người nước ngoài sinh sống và ngược lại; khoản tiền thanh toán vé máy bay từ quốc gia nơi người Việt Nam đang làm việc về Việt Nam và ngược lại).

16.Các khoản thanh toán mà người sử dụng lao động trả để phục vụ việc điều động, luân chuyển người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại hợp đồng lao động, tuân thủ lịch lao động chuẩn theo thông lệ quốc tế của một số ngành như dầu khí, khai khoáng. (Căn cứ xác định là hợp đồng lao động và khoản tiền thanh toán vé máy bay từ Việt Nam đến quốc gia nơi người nước ngoài cư trú và ngược lại).

Chú ý:

– Trường hợp các văn bản hướng dẫn về các khoản phụ cấp, trợ cấp, mức phụ cấp, trợ cấp áp dụng đối với khu vực Nhà nước thì các thành phần kinh tế khác, các cơ sở kinh doanh khác được căn cứ vào danh mục và mức phụ cấp, trợ cấp hướng dẫn đối với khu vực Nhà nước để tính trừ;

– Trường hợp khoản phụ cấp, trợ cấp nhận được cao hơn mức phụ cấp, trợ cấp theo hướng dẫn nêu trên thì phần vượt phải tính vào thu nhập chịu thuế;

– Riêng trợ cấp chuyển vùng một lần đối với người nước ngoài đến cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được trừ theo mức ghi tại Hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

(2*) Thu nhập miễn thuế TNCN (từ tiền lương, tiền công)

– Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.

Công thức tính tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế như sau:

Tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế = Tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ – Mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường

– Tiền lương hưu do Quỹ bảo hiểm xã hội trả theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ Quỹ hưu trí tự nguyện.

– Thu nhập từ bồi thường hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe; tiền bồi thường tai nạn lao động; tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các khoản bồi thường Nhà nước và các khoản bồi thường khác theo quy định của pháp luật về bồi thường Nhà nước.

– Thu nhập từ tiền bồi thường tai nạn lao động là khoản tiền người lao động nhận được từ người sử dụng lao động hoặc quỹ bảo hiểm xã hội do bị tai nạn trong quá trình tham gia lao động. Căn cứ xác định khoản bồi thường này là văn bản hoặc quyết định bồi thường của người sử dụng lao động hoặc Tòa án và chứng từ chi bồi thường tai nạn lao động.

*** LƯU Ý:

– Khi kê khai chỉ tiêu 27; 28 thì không được trừ các khoản giảm trừ.

Các khoản giảm trừ này sẽ được trừ khi quyết toán thuế tncn vào cuối năm, khai vào chỉ tiêu giảm trừ trong phụ lục số 05-1/BK-QTT-TNCN.

– Tổng chỉ tiêu 26 tất cả tháng/quý = Tổng thu nhập chịu thuế cả năm (chỉ tiêu số 11 trong phụ lục số 05-1/BK-QTT-TNCN của tờ khai số 05/QTT-TNCN Tờ khai quyết toán của tổ chức, CN (TT92/2015).

Căn cứ pháp lý dựa vào Điều 7, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP: “Riêng trường hợp khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng”.

Nghĩa là tất cả các tờ khai cộng lại phải đúng bằng quyết toán thuế TNCN cả năm. Nếu không bằng phải kiểm tra lại xem tờ khai nào sai thì lập lại bổ sung cho đúng, áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2021.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *