Phương pháp hạch toán kế toán thường áp dụng cho Ban quản lý dự án đầu tư

 

Phương pháp hạch toán kế toán thường áp dụng cho Ban quản lý dự án đầu tư quy định tại Điều 5 Thông tư 195/2012/TT-BTC hướng dẫn kế toán áp dụng cho đơn vị chủ đầu tư do Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành, cụ thể như sau:

  1. Khi mua vật tư, thiết bị về nhập kho để dùng cho quá trình đầu tư xây dựng tạo ra TSCĐ dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế; Kế toán phản ánh giá trị vật tư, thiết bị nhập kho theo giá thực tế bao gồm giá mua chưa có thuế GTGT đầu vào, chi phí thu mua, vận chuyển, bốc xếp, thuê kho bãi…, từ nơi mua về đến kho của BQLDAĐT và thuế GTGT được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu (Giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 153 – Công cụ, dụng cụ (Giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 111, 112, 331,… (Tổng giá thanh toán)

  1. Khi mua vật tư, thiết bị giao thẳng cho bên nhận thầu dùng ngay vào quá trình đầu tư, xây dựng để tạo ra TSCĐ dùng cho quá trình SXKD hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế; Kế toán phản ánh giá chưa có thuế GTGT đầu vào, thuế GTGT được khấu trừ và tổng giá thanh toán, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu (Giá mua chưa có thuế GTGT) (TK 1522 – Vật liệu giao cho bên nhận thầu hoặc TK 1524 – Thiết bị đưa đi lắp)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 111, 112, 331,… (Tổng giá thanh toán)

3- Khi nhập khẩu vật tư, thiết bị toàn bộ, kế toán phản ánh giá trị vật tư, thiết bị nhập khẩu, chi phí thu mua vận chuyển, … (Và thuế nhập khẩu, thuế TTĐB phải nộp (Nếu có)), ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu (Thuế nhập khẩu phải nộp)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (TK 3333, 3332)

Có các TK 111, 112, 331,…

* Đối với thuế GTGT hàng nhập khẩu:

– Nếu vật tư, thiết bị nhập khẩu dùng cho quá trình đầu tư xây dựng tạo ra TSCĐ dùng cho quá trình SXKD hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế thì thuế GTGT của hàng nhập khẩu sẽ được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (TK 33312)

– Nếu vật tư, thiết bị nhập khẩu dùng cho quá trình đầu tư xây dựng tạo ra TSCĐ dùng vào hoạt động SKD hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp thì thuế GTGT phải nộp của hàng nhập khẩu được tính vào giá trị vật tư, thiết bị mua vào, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu (Giá có thuế GTGT)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (TK 33312)

  1. Khi mua vật tư, thiết bị dùng vào đầu tư xây dựng tạo ra TSCĐ dùng cho hoạt động SXKD hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp; Kế toán phản ánh giá trị vật tư, thiết bị, dịch vụ mua vào là tổng số tiền phải thanh toán cho người bán và chi phí thu mua, vận chuyển (Bao gồm cả thuế GTGT đầu vào), ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu (Tổng giá thanh toán)

Có các TK 111, 112, 331,…

  1. Khi nghiệm thu, chấp nhận thanh toán khối lượng xây dựng lắp đặt; Trường hợp giao gói thầu xây lắp, mua thiết bị, chi phí dịch vụ, tư vấn, chi phí khác cho các nhà thầu có thuế GTGT

– Đối với chi phí đầu tư để tạo thành TSCĐ phục vụ cho hoạt động SXKD hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 241 – Chi phí đầu tư xây dựng (Chi phí chưa có thuế)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 111, 112, 331,… (Tổng giá thanh toán)

– Đối với chi phí đầu tư để tạo thành TSCĐ phục vụ hoạt động SXKD hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp thì số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ phải tính vào chi phí đầu tư xây dựng, ghi:

Nợ TK 241 – Chi phí đầu tư xây dựng

Có các TK 111, 112, 331,… (Tổng giá thanh toán)

  1. Đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào dùng cho hoạt động đầu tư tạo ra TSCĐ để sử dụng đồng thời vào hoạt động SXKD hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ và không chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp nhưng không hạch toán riêng được thì toàn bộ số thuế được phản ánh vào TK 133, ghi:

Nợ các TK 152, 153, 211,… (Giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Thuế GTGT đầu vào)

Có các TK 111, 112, 331,… (Tổng giá thanh toán)

=> Cuối kỳ, kế toán tính và xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ theo quy định của Luật Thuế GTGT. Số không được khấu trừ phải tính vào chi phí đầu tư xây dựng, ghi:

Nợ TK 241 – Chi phí đầu tư xây dựng

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

  1. Khi mua TSCĐ trong nước dùng cho BQLDAĐT phục vụ cho quá trình đầu tư tạo ra TSCĐ dùng cho SXKD hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ các TK 211, 213 (Giá chưa có thuế GTGT đầu vào)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 111, 112, 331,… (Tổng giá thanh toán)

  1. Khi nhập khẩu TSCĐ dùng cho BQLDAĐT phục vụ cho quá trình đầu tư tạo ra TSCĐ dùng cho SXKD hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ các TK 211, 213 (Tổng giá thanh toán và thuế nhập khẩu)

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (TK 3332, 3333)

Có các TK 111, 112,… (Tổng giá thanh toán)

Đối với thuế GTGT hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (TK 33312)

  1. Trường hợp vật tư, thiết bị, TSCĐ đã mua vào dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng tạo ra TSCĐ dùng cho SXKD hàng hóa, dịch vụ chịu thuế theo phương pháp khấu trừ thuế, khi hàng mua vào không đúng hoặc kém phẩm chất, quy cách theo hợp đồng kinh tế đã ký kết phải trả lại hoặc yêu cầu người bán giảm giá, căn cứ vào chứng từ xuất hàng trả lại và các chứng từ liên quan đến giảm giá hàng mua, ghi:

Nợ các TK 111, 112, 331

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (Nếu có)

Có các TK 152, 153, 211, 213…

  1. Khi mua nguyên vật liệu phục vụ hoạt động chạy thử có tải, sản xuất thử

10.1. Trường hợp chạy thử có tải, hoặc sản xuất thử sản phẩm thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vât liệu (Giá mua chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất thử dở dang (Chi phí chưa có thuế GTGT)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 111, 112, 331

10.2. Trường hợp chạy thử có tải hoặc sản xuất thử sản phẩm không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc chịu thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, ghi:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu (Tổng giá thanh toán)

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất thử dở dang (Tổng giá thanh toán)

Có các TK 111, 112, 331 (Tổng giá thanh toán)

  1. Đối với các BQLDAĐT trực thuộc không có doanh thu để tính thuế GTGT đầu ra, cuối kỳ phải lập bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, xác định số thuế GTGT đầu vào chuyển cho Chủ đầu tư để khấu trừ hoặc xét hoàn lại, ghi:

Nợ TK 336 – Phải trả nội bộ (TK 3368)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ (Nếu có) phải tính vào chi phí đầu tư xây dựng, ghi:

Nợ TK 241 – Chi phí đầu tư xây dựng

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

  1. Đối với các BQLDAĐT độc lập đã đăng ký nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có phát sinh doanh thu và thuế GTGT đầu ra thì số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ với số thuế GTGT đầu ra trong kỳ, ghi:

Nợ TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33311)

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Trường hợp số thuế GTGT đầu vào có giá trị lớn được xét hoàn thuế GTGT, khi nhận được tiền NSNN hoàn lại thuế, ghi:

Nợ các TK 111, 112

Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *